Dự án Điện khí LNG Chân Mây có quy mô 4.000MW, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 5 tỉ USD, mang tầm cỡ quốc tế và hứa hẹn tạo nhiều đột phá.
Ngày 29.6, lãnh đạo Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng lãnh đạo Ban Quản lý Các khu Kinh tế – Công nghiệp tỉnh, các Sở ban ngành liên quan, lãnh đạo Công ty Cổ phần Chân Mây LNG (CML) và đại diện Ngân hàng thế giới/ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), GE Capital, Black & Veatch, Bechtel (trực tuyến), Baker McKenzie, Ernst&Young, McKinsey, YKVN, ERM đã tham gia cuộc họp cập nhật tiến độ triển khai dự án “Hợp tác nghiên cứu, kêu gọi đầu tư và phát triển nhà máy điện khí LNG tại khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô”.
Đây là dự án mà CML và Ban quản lý các khu kinh tế – công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Bản ghi nhớ (MOU) vào ngày 3/3/2020. Dự án có quy mô 4000MW, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 5 tỉ USD, mang tầm cỡ quốc tế và hứa hẹn tạo nhiều đột phá. Cho đến nay, mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 nhưng CML vẫn thực hiện các công việc đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị, trình hồ sơ bổ sung quy hoạch cũng như song song xúc tiến hợp tác đầu tư. Theo ông John Rockhold, Tổng Giám đốc của CML “Dự án đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đối tác hàng đầu thế giới quan tâm. Công ty cũng đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy”
Trong lĩnh vực điện khí, tháng 8 năm ngoái, Thừa Thiên Huế từng được Cơ quan xúc tiến đầu tư thành phố Busan, Hàn Quốc (BEPA) đến tìm hiểu, đề xuất đầu tư nhà máy điện khí Hydro, công suất 200MW. Các tỉnh thành khác cũng được nhiều nhà đầu tư tìm đến.
Việt Nam đang gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện. Theo tính toán, đến năm 2025 Việt Nam dự kiến cần 90.000 kW; đến năm 2030 thì cần khoảng 130.000 kW. Trong khi đó, nguồn điện tại Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Nếu nguồn thủy điện không có khả năng mở rộng thêm thì các nguồn nhiệt điện cũng khó phát triển do phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Vì thế, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện gió, điện mặt trời… để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng.
Nói trở lại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Phú Lộc) được đánh giá là điểm tựa phát triển công nghiệp và dịch vụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ một vài dự án kinh doanh dịch vụ du lịch, công nghiệp và cảng biển, đến nay, riêng khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Huế đã thu hút 46 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 79.017 tỉ đồng, theo Ban Quản lý khu Kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không kể đến dự án nhà máy LNG Chân Mây, Huế hiện đang thu hút nhiều dự án lớn như dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn Lăng Cô. Đây là dự án kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu chuẩn 5 sao, gồm 1000 phòng, khu trung tâm hội nghị, biệt thự nghỉ dưỡng, với vốn đầu tư 7700 tỉ đồng, trên diện tích 100 ha. Nếu không có gì trục trặc, giai đoạn 1 của dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, dự án nhà máy đồ chơi trẻ em Billion Max Việt Nam (giai đoạn 1) đã chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2020.
Sự thành công trong việc thu hút đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật điện. Nhìn thấy nhu cầu cấp bách đó, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã đổi mới chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện trong mùa tuyển sinh Đại học năm nay – cũng là năm đầu tiên tuyển sinh của Khoa. Với mô hình đào tạo Project Base Learning theo hình thức 4-4-2, tức là 40% kiến thức cơ bản từ trường, 40% kiến thức từ thực tập tại doanh nghiệp và 20% kiến thức có từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Ngay từ khi còn học Đại học, sinh viên HUET đã được đào tạo các kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được định hướng phát triển theo thế mạnh của mình. Điều này tạo nên sự khác biệt trong đào tạo so với cách đào tạo truyền thống trước đây.
Ngoài ra, sinh viên Kỹ thuật điện còn có cơ hội thực tập và làm việc với các doanh nghiệp tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ,… Để tăng cơ hội làm việc tại môi trường quốc tế, ngoài những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng chuyên nghiệp, sinh viên còn phải đạt trình độ ngoại ngữ để đủ điều kiện làm việc tại quốc gia đó.
Hơn nữa, điểm đặc biệt của chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ là sinh viên sẽ được thực tập tại doanh nghiệp đối tác do Khoa giới thiệu và sẽ được ưu tiên tuyển dụng sau tốt nghiệp nếu sinh viên đạt đủ trình độ chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp yêu cầu. Chính vì vậy, với dự kiến 50 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, HUET mong muốn tạo ra một thế hệ kỹ sư điện có năng lực, kỹ năng để sẵn sàng làm việc trong môi trường năng động và đòi hỏi cao như hiện nay.