Vào thứ 6 ngày 20/3, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã tổ chức chương trình hội thảo về chủ đề e-Learning “Chia sẻ kinh nghiệm dạy trực tuyến”với sự tham gia của các giảng viên đến từ các trường Đại học thành viên trực thuộc Đại học Huế như Đại học Nông Lâm, Đại học Ngoại ngữ và Đại học Kinh tế.
Là một Khoa mới thành lập chuyên đào tạo các chương trình thuộc lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật của Đại học Huế, đặc biệt là ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phương pháp giảng dạy trong một thời đại biến chuyển không ngừng. Vì vậy, với sự trình bày của hai giảng viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ – TS. Nguyễn Đình Hoa Cương và TS. Hồ Quốc Dũng, các giảng viên tham dự đã có cái nhìn đầy đủ và đa chiều về phương pháp dạy e-Learning trong thời đại số hóa và quan trọng hơn là ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để đảm bảo chương trình học tập cho sinh viên.
E-Learning là phương pháp dạy học trực tuyến được xây dựng trên các nền tảng công nghệ, giúp kết nối người dạy và học. Có thể nói, sự phát triển của e-Learning đồng hành với quá trình số hóa tài nguyên học tập và quá trình số hóa người thầy truyền thống. Theo TS. Nguyễn Đình Hoa Cương, để sử dụng một cách có hiệu quả phương pháp dạy học trực tuyến này, người dùng phải lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp với mục đích giảng dạy và học tập của học viên. Các hệ thống e-Learning phổ biến hiện nay:
- Moodle: với cách cài đặt thông thường sẽ khó phục vụ suôn sẻ số người học truy cập đồng thời lớn (>100)
- Blog: dễ dàng cho người học truy cập; nhược điểm: không giám sát được hoạt động học tập chặc chẽ.
- Google classroom: đáp ứng hầu hết các yêu cầu của hệ thống e-Learning và giải quyết nhược điểm của 2 hệ thống trên.
Ngoài các nền tảng online learning kể trên, thì các giảng viên cũng có thể sử dụng các ứng dụng “video conferencing” sau để tương tác với sinh viên như GotoMeeting, BigBlueButton, Zoom, Skype, The New Google Hangouts Meet.
Dưới đây là một số kinh nghiệm từ quá trình sử dụng và giảng dạy Online của TS.Cương để phương pháp e-Learning có hiệu quả hơn. Thứ nhất, người dạy phải chú trọng phát triển tài nguyên học tập:
- Số hóa bài giảng là nhiệm vụ khó khăn và mất thời gian. Nhưng bài giảng (video bài giảng) không phải là tất cả!
- Bài kiểm tra và số lượng các bài kiểm tra mới là động lực chính thúc đẩy người học tập trung học tập.
- Càng nhiều tài liệu tham khảo càng làm người học rối.
- Sử dụng lại các tài nguyên sẵn có trên mạng là nguyên tắc xây dựng bài giảng e-Learning (chuẩn SCORM) nhưng lại ít được chú ý!
Một vấn đề quan trọng nữa đặt ra cho phương pháp dạy thời đại 4.0 là cách níu chân người học ngồi trước bàn máy tính và theo dõi các bài giảng trực tuyến khi thiếu đi tương tác thực tế. TS. Dũng chia sẻ:
- Miễn phí là cách nhanh nhất để chia tay người học;
- Đối với lớp chính quy, công khai điểm số theo tiến trình môn học là cách thúc đẩy sinh viên học và tự học hiệu quả;
- Với hình thức blend e-Learning (bán giám sát), thời gian tại lớp hiệu quả nhất chủ yếu là thời gian kiểm tra.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn đặt ra cho giảng viên Đại học Huế, sau quá trình thảo luận và chia sẻ về kinh nghiệm thực tế về phương pháp dạy học trực tuyến của các giảng viên tham dự, các giảng viên đã có những khuyến nghị như sau:
- Quy định về e-Learning trong trường Đại học cần đánh giá đúng mức sức lao động của người dạy bỏ ra trong việc xây dựng bài giảng và điều hành lớp học
- Khuyến khích về công nhận số giờ giảng và tạo khung thời gian linh hoạt cho các khóa học e-Learning ở môi trường Đại học.
Hi vọng thông qua buổi hội thảo e-Learning “Chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến” với những phân tích sâu sắc và chia sẻ thực tế, các giảng viên đã tìm được cho mình cách sử dụng công cụ dạy học online này một cách hiệu quả, mang lại những bài học tốt nhất và thu hút các bạn sinh viên.