Trong hội thảo công nghệ toàn quốc Vietnam Web Summit 2019 gần đây, Ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev từng chia sẻ: “Hiện nay, đang có một xu hướng đầu tư mạnh mẽ về CNTT tại Việt Nam, những đối tác TopDev đã và đang làm việc là những công ty công nghệ hàng đầu đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hiện đang làm việc với chúng tôi để triển khai những dự án CNTT rất lớn, chúng tôi nhận thấy rõ được nhu cầu của họ trong việc thu hút nguồn lực trẻ tại Việt Nam. Có lẽ đây là lúc Việt Nam nên nắm bắt cơ hội để trở thành quốc gia mũi nhọn trong khu vực để đi đầu về lĩnh vực IT”
Nhiều chỉ số top thế giới nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Việt Nam đã tăng thêm ba bậc trên Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu 2019 (GII) để xếp thứ 42 trên tổng số 129 các nền kinh tế toàn cầu. Bảng xếp hạng mới nhất được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố tại New Delhi, Ấn Độ vào thứ Tư. Trong 9 tháng vừa qua của năm 2019, Việt Nam đã thu hút 26,16B $ vốn FDI – theo báo cáo của US News & World về các chuyển đổi mới tại Việt Nam, đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 8 trong số 20 quốc gia tốt nhất để đầu tư theo báo cáo của US News & World Report. Việt Nam cũng đứng thứ 48 trong số 157 quốc gia về chỉ số vốn nhân lực (HCI), đứng thứ hai chỉ sau Singapore trong khu vực ASEAN.
Theo báo cáo tổng kết năm 2019 và định hướng năm 2020 của Bộ Thông Tin & Truyền Thông, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT 2019 ước đạt 112,350 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ICT chiếm 81,5%. Cũng theo đó, Bộ TT&TT cũng công bố rằng, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2018. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước từ công nghiệp ICT năm 2019 là 54.000 tỷ đồng, tăng 2000 tỷ so với năm 2018. Tuy nhiên, với ngành công nghiệp nội dung số, hiện doanh thu của nó chỉ đang chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu ngành CNTT (chiếm 0,76% doanh thu ngành CNTT).
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2020 ngành TT&TT xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Đây cũng được xem là một dấu hiệu đáng mừng, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến việc trở thành một quốc gia IT có tầm vóc trong khu vực.
Hiện tại thị trường nhân lực tại Việt Nam rất cần các nhân lực chủ lực chất lượng cao, nhưng lượng cung luôn ít hơn cầu. Chiếc chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề nan giải này chính là nằm ở đào tạo. Hiện tại, các trung tâm đào tạo tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự. Chỉ có 30% trong số 50,000 sinh viên CNTT đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Việt Nam điểm đến của những gã khổng lồ công nghệ
Theo một báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019, dự kiến nền kinh tế số của khu vực sẽ vượt mức 100 tỷ USD trong năm nay và sẽ sớm tăng gấp ba vào năm 2025. Đông Nam Á có khả năng trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về thương mại điện tử nhờ dân số am hiểu công nghệ, đặc biệt là sử dụng smartphone ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của TopDev, trong năm 2020, thị trường tại Việt Nam có sự phản hồi tốt và phát triển mạnh trong 12 lĩnh vực chính như: E-commerce, Fintech, Gọi xe/thức ăn, Edtech, Healthcare, v.v….
Trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều công ty tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Ông Roxy Sexton – Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Apple, cho biết Apple sẵn sàng gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp ICT Việt Nam có mong muốn tham gia chuỗi cung ứng của Apple. Ngoài Samsung là một trong những tập đoàn vốn nước ngoài giúp đẩy mạnh nền kinh tế của Việt Nam, sự tham gia của Apple trong thời gian tới có thể sẽ còn tiếp thêm sức mạnh cho làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2020. Riêng Samsung trong năm 2020, họ cho biết sẽ đầu tư thêm 300 triệu đô tiền đầu tư vào R&D tại khu vực Hà Nội, cần thêm 4,000 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới.
Hindustan Computers Limited (HCL), một trong 3 công ty IT lớn nhất Ấn Độ (Top 5 công ty outsource trên thế giới) đã phát triển trung tâm của mình tại TP.HCM, cần thêm 10,000 kỹ sư trong 5 năm nữa. Công ty Axon Enterprise, một trong những công ty phát triển công nghệ cho việc hành pháp hàng đầu tại Mỹ cũng đã tập trung cơ sở phát triển công nghệ của mình tại TP.HCM Việt Nam.
Mức lương lên đến 130 triệu nhưng chưa chắc tuyển được người, IT là một trong 4 ngành có tỷ lệ nhảy việc cao nhất
Vị trí Tech Management (nắm giữ vai trò CTO hay CIO của một công ty) có mức lương lên đến $5,700 USD (tương đương 132,291,000 đồng), và $1,329 (tương đương 30,8 triệu đồng) là mức lương trung bình doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người có kinh nghiệm và tỉ lệ tăng lương sau 1 năm làm việc đạt 12 – 18%. Với mức lương khoảng 38,165,000 đồng/tháng, TensorFlows hiện là công nghệ được trả lương cao nhất, theo sau là Kubernetes và Go (33,577,000/ tháng với 28,270,000 đồng/tháng).
Machine Learning/ AI Engineer vẫn giữ vị trí đầu bảng trong các vị trí triển vọng nhất với mức lương khá cao, liên tiếp là 51 triệu đồng/tháng và 44 triệu đồng/tháng. Với sự khan hiếm nhân lực cũng như những yêu cầu gắt gao, mức lương của cấp quản lý trên 5 năm quản lý không thấp hơn 31 triệu đồng/tháng nhưng các nhà tuyển dụng cũng sẽ “đốt đuốc” tìm người với những yêu cầu không chỉ về lương mà còn các yêu cầu khác trong công việc để đảm bảo cân bằng cuộc sống.
Tìm kiếm nhân tài là một chuyện, giữ chân nhân tài là bài toán khó giải khác dành cho doanh nghiệp khi IT là 1 trong 4 ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, với 20 tháng là thời gian trung bình cho một lập trình viên “nhảy” việc, và tỷ lệ nghỉ việc đạt mốc 24% trong năm 2020. Lý giải cho những con số này, báo cáo IT của TopDev phân tích câu trả lời không nằm ở mức lương, bởi khi được trao công việc mới, mức lương của lập trình viên chỉ tăng 15%, mà giá trị họ nhận lại nằm ở những điều kiện khác nhau, đứng đầu là nhu cầu được đào tạo bài bản (43.2%) và lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng (38.4%), ….
Đâu là giải pháp cho việc thiếu hụt nhân lực trong 5 năm vừa qua?
Theo báo cáo IT của TopDev, năm 2020 Việt Nam sẽ cần hơn 400,000 nhân lực ngành IT, và con số này sẽ tăng lên đến 500,000 vào năm 2021. Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này nằm ở nhiều phương diện, mà chủ yếu đến từ chương trình đào tạo thiếu định hướng khi chưa đúng trọng tâm mà doanh nghiệp tìm kiếm, hay lớp sinh viên ra trường đang thiếu những kỹ năng cần thiết cùng trình độ sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo.
Trong thời gian tới có lẽ các trung tâm cơ sở đào tạo CNTT cần chú trọng nhiều hơn về chất lượng hơn là số lượng. Hiện tại, chính phủ cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm cho 20 trường lớp hiện đang giảng dạy CNTT tại Việt Nam. Từ đó, chính phủ sẽ cùng phối hợp với doanh nghiệp để mở ra thêm các khóa đào tạo ngắn hạn để các bạn trẻ có thể tiệm cận với những nhu cầu thực tế và bắt kịp các công nghệ mới. Thực tế cho thấy, nhiều công ty hiện nay đã có chương trình tập sự là cơ hội tốt nhất cho sinh viên rèn luyện. Việc đi làm thêm cũng giúp cho họ rất nhiều trong việc tích lũy kinh nghiệm, quy trình và các phương thức giải quyết vấn đề trong công việc tương lai. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng như những kỹ năng tương tác xã hội cũng cần được chú trọng đào tạo hơn là chỉ tập trung vào kỹ năng và kiến thức.
Mặt khác, ở thời đại tuyển dụng đa thế hệ, các doanh nghiệp cũng gặp thách thức trong việc giữ người cũng như tuyển dụng nhân sự mới, một phần cũng do văn hóa làm việc của thế hệ mới đã thay đổi. Doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn về việc tạo sự cân bằng trong công việc và cuộc sống, cũng như cải thiện môi trường công ty năng động hơn, giúp các ứng viên có thể dễ dàng hòa nhập, và cùng đóng góp ý tưởng, phát triển sản phẩm của công ty. Hiện tại cũng có rất nhiều doanh nghiệp lớn đang áp dụng mô hình khởi nghiệp ngay trong chính công ty của mình nhằm giúp nhân viên có động lực cống hiến hơn trong công việc.
Tuy nhân lực IT Việt Nam ngày càng được đánh giá cao nhờ khả năng tự học, tìm tòi và hòa nhập với doanh nghiệp nước ngoài, để mà nói công nghệ trong nước có thể sánh ngang với quốc gia trong khu vực thì chưa đủ khi bài toán nhân lực chưa được khai thác đủ tầm và lực để đảm bảo về số lượng và chất lượng. Ông Nguyễn Hữu Bình, chia sẻ thêm:
“Xét cho cùng, nếu muốn vươn lên để đạt được sự tiến bộ như các quốc gia tiên tiến khác, Việt Nam cần phải bức tốc về mặt năng suất lao động, Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển trên thế giới cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn. Đó cũng là lý do chúng ta thấy được các cường quốc hiện nay chiến đấu với nhau chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ. Vì vậy công nghệ chính là con đường giúp Việt Nam từ bỏ những lối mòn để bắt lấy con sóng khơi xa. Ước mơ Việt Nam trở thành quốc gia IT sẽ thành hiện thực vào một ngày không xa.”
Theo https://techtalk.vn/